Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp (CCN) tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, hiện tại việc phát triển CCN trên địa bàn tỉnh…
Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp (CCN) tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, hiện tại việc phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đang còn nhiều vướng mắc. Đa phần các CCN đều gặp khó khăn trong đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng do không thu hút được doanh nghiệp.
Sản xuất tại Hợp tác xã mây tre đan Liên Khê (Cụm công nghiệp Liên Khê, Khoái Châu) |
Đề án quy hoạch phát triển CCN của tỉnh giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 35 CCN, với tổng diện tích hơn 1.399ha, gồm: Mở rộng 5/9 CCN hiện có; xây dựng mới 26 CCN… Tuy nhiên, theo đề nghị của các địa phương, tỉnh đã thống nhất điều chỉnh giảm 4 CCN. Như vậy, đến năm 2020, toàn tỉnh có 31 CCN với tổng diện tích hơn 1.246 ha. Trong giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh phấn đấu mở rộng quy mô 2 CCN và hình thành thêm 5 CCN mới… Mục tiêu của đề án nhằm phát triển CCN có quy mô phù hợp theo từng giai đoạn, đầu tư cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm vào các khu vực có tiềm năng nhằm mục đích đưa các cơ sở sản xuất riêng lẻ vào các cụm công nghiệp để quản lý, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất, di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư…
Thực hiện đề án quy hoạch phát triển CCN, đến nay trên địa bàn tỉnh có 5 CCN với tổng diện tích hơn 36,3ha đã được đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút doanh nghiệp và hộ gia đình vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Huyện Phù Cừ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống, tạo cơ chế thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Cùng với đó, trên địa bàn huyện đã được phê duyệt quy hoạch 3 CCN. Trong đó CCN Đình Cao có diện tích 2,5 ha được phê duyệt năm 2003, đã hoàn thành san lấp mặt bằng và đã có 2 cơ sở sản xuất thuê mặt bằng là Hợp tác xã mây tre đan Đình Cao và Công ty TNHH may Phú Hưng, hiện nay các cơ sở này đã đi vào hoạt động sản xuất. Còn lại, 2 CCN được đưa vào quy hoạch nhằm gom các doanh nghiệp riêng lẻ đã và đang hoạt động gồm: CCN Quán Đỏ (xã Đoàn Đào), đến nay có 3 doanh nghiệp đang hoạt động; CCN Trần Cao – Quang Hưng đến nay có 5 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Cụm công nghiệp Minh Khai (Văn Lâm) thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất |
Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai (Văn Lâm) được thành lập năm 2002, với quy mô diện tích 11,2 ha. Đến năm 2009, CCN Minh Khai bắt đầu đi vào hoạt động. Với các chính sách ưu đãi của tỉnh như: Thời gian thuê đất dài; các hộ thuê đất được trả tiền dần theo từng năm; tỉnh hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, xử lý nước thải… nên chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, CCN đã thu hút 143 hộ sản xuất trong làng nghề vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Tham gia sản xuất trong CCN giúp các cơ sở sản xuất ổn định hơn; giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, giảm ách tắc giao thông… Phần lớn các hộ sản xuất tại cụm công nghiệp đều đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại để mở rộng sản xuất, tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ; 2 CCN đã có doanh nghiệp hoạt động nhưng chưa quy hoạch chi tiết, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo đánh giá của Sở Công Thương, các CCN trên đều có chung tình trạng là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu như: Không có đường giao thông nội bộ, đường gom, hệ thống xử lý nước thải. Các doanh nghiệp thuê đất đầu tư riêng lẻ khi chưa có quy hoạch chi tiết, do vậy không hấp dẫn các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng và khó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển CCN, năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành quyết định kèm theo quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn tỉnh. Quy chế phối hợp quản lý CCN đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và phân công trách nhiệm giữa các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố; nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với CCN, làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư hạ tầng và các đơn vị liên quan chấp hành đúng chủ trương, quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, tại các CCN hiện nay đều khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng. Nguyên nhân do nguồn vốn từ ngân sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN còn hạn chế, các địa phương chưa chủ động huy động các nguồn vốn khác cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Ngày 27.3.2012, Bộ Công Thương có văn bản số 2585/BCT-CNĐP về việc thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 2.3.2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; theo đó các tỉnh, thành phố đã dừng việc thành lập mới và mở rộng các CCN. Vì vậy, việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển CCN càng khó khăn hơn. Các CCN đã đi vào hoạt động nhưng do không có doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, không có cơ quan quản lý trực tiếp nên việc theo dõi, quản lý doanh nghiệp trong CCN gặp nhiều khó khăn, những phát sinh trong hoạt động chưa được giải quyết kịp thời…
Để quy hoạch phát triển CCN của tỉnh đạt hiệu quả, các địa phương cần tiến hành rà soát nhu cầu phát triển CCN gắn với từng địa bàn, ngành nghề; trên cơ sở đó đề xuất với tỉnh cơ chế đầu tư mỗi huyện, thành phố 1 CCN theo quy hoạch; đề xuất cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng CCN, khuyến khích các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào đầu tư trong các CCN. Thực hiện cơ chế của tỉnh về việc kết hợp xây dựng khu dân cư mới, tạo vốn xây dựng hạ tầng mỗi huyện, thành phố 1 CCN; các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông và xử lý môi trường các CCN đã hoạt động nay bị ô nhiễm nặng, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN. Các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN của tỉnh và các quy định của Trung ương; thực hiện các chương trình, đề án khuyến công hàng năm để hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong các CCN.